âm nhạc

sài gòn vào đợt áp thấp nhiệt đới, mưa suốt. tôi gác chân lên bàn, nghe hết bài nhạc mở đầu của Midnight Dinner tên 思い出 – dịch sang tiếng việt là ‘kỷ niệm’ thì nỗi buồn ùa tới. nỗi buồn này, như một thực thể quen thuộc và không bao giờ đổi thay qua năm tháng, luôn bừng sống dậy sau bài nhạc, vỗ vai mời tôi cùng đi bộ một chút.

思い出 chuyển phát nhanh tôi về những buổi tối đi bộ một mình ở Tokyo dịp năm mới. tôi 21 tuổi, đứng trên vỉa hè, giữa những luồng người bước qua bước lại, giữa những luồng âm thanh, giữa những ánh đèn xanh đỏ vàng của biển hiệu quảng cáo, tương phản hoàn hảo với nền đen và tính cách yên ắng của buổi đêm. như một đốm nhỏ đi lạc, tôi bị tách khỏi không gian, ngôn ngữ, âm thanh, chỉ biết nhìn những dấu hiệu, và làm theo – lost in translation, lạc mất khi đang ở ngay giữa đoạn dịch của hai ngôn ngữ, hay đoạn dịch của cuộc sống bên ngoài và bên trong.

tôi có thói quen nghe nhạc chỉ để nghe nhạc. ngồi yên nghe hết một bài hát, hoặc một album, chắc vì vậy nên ảnh hưởng và dư âm của âm nhạc lên tôi vô cùng mạnh mẽ.

.

có khoảng thời gian tôi không nghe nhạc, cũng vài năm. trong một cuộc hội thoại vu vơ tôi nói với một người bạn rằng nhà em không có loa và em không nghe nhạc, bạn nhìn tôi muốn lọt tròng hai con mắt.

ban đầu tôi không nghe nhạc là để tránh né một con người. tránh để tác dụng phụ của âm nhạc chuyển phát mình tới những đoạn ký ức dao động lên xuống trong phổ rất vui hoặc rất buồn mà tôi không muốn nhớ về.

sau đoạn tránh né cực đoan, tôi chuyển thành người không nghe nhạc chủ động. vì tôi cần yên lặng. tôi cần yên lặng để đọc sách. cần yên lặng để suy nghĩ cho thông suốt, cần yên lặng để nhận biết và nhận thức toàn vẹn nỗi đau, cần yên lặng để lắng nghe chính mình. âm nhạc hay ý kiến của người ngoài đối với tôi lúc đó không khác gì một thứ nhiễu âm làm phân rã ý chí và tinh thần, trong khi tất cả những gì tôi cần là sự tập trung để hồi phục. đợt đó tôi cũng trải qua hai ca mổ gần như liên tiếp, yếu xìu và cần yên lặng để ngủ nghê cho thể chất ngon nghẻ trở lại.

tôi không nghe nhạc từ đoạn đấy, và kéo dài đến mãi gần đây.

.

có thể bạn đọc sẽ tặc lưỡi, ủa làm gì thấy ghê.

người bạn tôi muốn tránh là người viết và làm nhạc. khoảng thời gian đụng độ chơi chung yêu đương đủ dài để bạn trở thành tấm nhãn tôi dán lên âm nhạc. bạn là âm nhạc và âm nhạc là bạn. một lỗi hệ thống ngớ ngẩn nhưng phổ biến, nôm na như cách nhân loại dán nhãn danh phận hoặc nghề nghiệp lên một con người – anh là sếp nhà băng, chị là nghệ sĩ, anh kia bán chè, chị này start-up, vân vân.

bạn vừa ra album mới. tôi không nghe, tất nhiên, tôi không nghe nhạc bạn từ lâu. tôi cũng không nhắc về sự hiện diện của bạn trong diễn biến cuộc sống mới của mình. đâu có gì để nhắc, vì mọi thứ đã được gói lại thắt nút trong sư đồng thuận và có phần nhẹ nhõm. nhưng khi gõ những dòng này, tôi đổi ý. những chuyện tôi học được từ bạn – một người làm nhạc – cũng đáng nhắc lắm.

chuyện học được thứ nhất là hãy nghe một album từ đầu tới cuối theo đúng thứ tự. một album là một câu chuyện được người nghệ sĩ kể có tính toán và mục đích. nó xứng đáng được nghe hết trong một lần ngồi xuống, hoặc đứng lên.

chuyện học được thứ hai, tôi có nói tới ở trên, là thỉnh thoảng hãy nghe nhạc chỉ để nghe nhạc. không làm bất cứ thứ gì khác khi nghe nhạc. giống như khi đọc sách, đọc sách là để đọc sách. cần rất nhiều tập trung và hết mình để thưởng thức một cuốn sách hay một album nhạc.

không chỉ là những thứ liên qua đến âm nhạc tôi còn biết ké được những điều nhỏ tí hin như tầm quan trọng của việc nghỉ giải lao, hay là sự kỷ luật và nghiêm túc phải có một khi đã chọn con đường làm sáng tạo toàn thời gian, cả khó khăn và phiền muộn của một người nhạc sĩ kiêm người biểu diễn.

cám ơn bạn vì những điều đáng học. cám ơn bạn đã cho tôi một chỗ ngồi ngắn hạn có một không hai trong thế giới phía sau sân khấu. và quan trọng nhất là cám ơn bạn đã cho tôi cơ hội được cài số de ra khỏi thế giới mà tôi chắc chắn không thuộc về.

tôi chúc bạn (tiếp tục) thành công, và (tiếp tục) hạnh phúc! farewell!

.

từ dạo vào chơi với MindTriibe, phòng đọc chung của cư dân bộ lạc vào mỗi tối hai-tư-sáu có nhạc được lựa chọn cho hợp với việc đọc đã mở cho tôi tầng nhận thức khác về những điều tôi (tưởng mình) biết.

âm nhạc tự dưng có tiết tấu khác, hình hài khác. bạn đọc cũng là một câu chuyện kỳ lạ khác, ngày xưa thân hơn mới ngồi đọc chung, bây giờ đọc chung mới thân hơn.

tôi nghĩ khi tôi cho phép mình ngồi đọc kề bên hay across the screen với một người hoặc một nhóm người như tôi đang làm, tôi đã vững vàng đủ để đối diện với những nhiễu âm; linh hoạt đủ để giải quyết nó; cũng rõ ràng đủ để thò tay lột tấm nhãn sai lệch đã phai màu ra khỏi âm nhạc, nhìn nó với con mắt trung dung và thấy nó như nó vốn là – một khung cửa sổ mở rộng, dành cho hai lỗ tai.

tôi cũng vừa đăng ký lại Spotify. tôi chán nghe bài hát beamin quá rồi các cậu ạ.

Leave a comment